1. Vị trí, địa lý:
Xã Chất Bình là một xã thuộc vùng xa nằm ở phía Đông Bắc của huyện Kim Sơn, phía Đông giáp xã Chính Tâm, phía Tây giáp xã Hồi Ninh, phía Bắc giáp xã Khánh Thủy (huyện Yên Khánh), phía Nam là Sông Đáy mà bên kia là huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Diện tích tự nhiên 591.77ha; chiều dài của xã 4,8km, chiều rộng của xã 1.5km. Tính đến ngày 31/12/2016 toàn xã có 5.982 khẩu, với 1.787 hộ được phân thành 11 xóm. Tỷ lệ dân theo đạo Thiên Chúa giáo chiếm 38.5%.
2. Truyền thống, lịch sử:
Năm Kỷ Sửu 1829, huyện Kim sơn nói chung và xã Chất Bình ngày nay nói riêng được thành lập. Đó là thành quả của tinh thần lao động cần cù anh dũng, lấn biển khai hoang của người nông dân từ mọi miền quê về đây khai phá dưới sự chỉ đạo của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ xây dựng nên một vùng quê trù phú ở vùng duyên hải của đồng bằng Bắc bộ.
Trong cuộc khẩn hoang lập huyện, xã Chất Bình ngày nay gồm lý Chất Thành, 02 ấp là Quân Chiêm, Quyết Bình và 1 trại là Cộng Nhuận. Việc quy hoạch lý, ấp, trại, giáp được coi trọng ngay từ những ngày đầu khai hoang nhằm làm cho người dân an cư, lạc nghiệp trên quê hương mới. Khu dân cư được phân bố theo chiều ngang của lý Chất Thành và ấp Quân Chiêm, Quyết Bình, tạo thành từng dong hay còn gọi là xóm. Mỗi dong thường có chiều dài bằng chiều ngang của làng. Các dong (xóm) được giới hạn bởi một con đường thẳng tắp gọi là đường Dong. Tất cả được chia theo chiều dài từ Khánh Thủy, huyện Yên Khánh xuống bờ sông Đáy. Chiều ngang tùy theo từng ấp mà số lượng khác nhau. Lý Chất Thành chiều ngang 08 đạc, ấp Quyết Bình chiều ngang 06 đạc, ấp Quân Chiêm chiều ngang 04 đạc, trại Cộng Nhuận chiều ngang 02 đạc.
Nhân dân lý Chất Thành tham gia cùng nhân dân các ấp, trại, lý của huyện đào đắp sông Ân - đây là con sông chảy qua các ấp, trại, lý của huyện khi mới thành lập, nó là trục xương sống để từ đây các con sông nhỏ chạy đi lý Chất Thành. Ngoài ra, nhân dân còn đào đắp năm đường lớn cắt ngang xã và những năm tiếp theo cùng nhân dân các lý, ấp, trại của huyện đào đắp Đê sông Ân - Đường 10, Đê 50, Đê Ngự Hàm. Đồng ruộng cũng được quy hoạch thành những đạc vuông vức, tựa ô bàn cờ với diện tích mỗi ô khoảng 01 mẫu Bắc Bộ (3.600m2), vừa đảm bảo cho việc cải tạo ruộng đất, vừa thuận tiện cho cày, cấy, thu hoạch, lại rất mỹ quan.
Khi đi vào ổn định và phát triển, lý Chất Thành lại trở thành "làng cựu" làm điểm tựa cho công cuộc khai hoang lấn biển lập lên các lý, trại, ấp mới ở. Điều đó diễn ra trong suốt từ nửa sau thế kỷ XIX đến ngày nay.
Trải qua 188 năm tồn tại và phát triển đến nay, địa danh và địa giới hành chính của vùng đất Chất Bình có nhiều thay đổi. Năm 1829, lý Chất Thành được thành lập, thuộc tổng Chất Thành, huyện Kim Sơn, trấn Ninh Bình (đến năm 1831 là tỉnh Ninh Bình). Năm 1912, Nhà nước phong kiến đổi các lý, ấp, trại thành làng, do đó, lúc này huyện gồm 7 tổng, 65 làng với dân số 40.500 người.
Đến năm 1946, huyện đổi tên các đơn vị hành chính, xóa bỏ tên tổng, thành lập tiểu khu và các xã lúc này, các lý, ấp Quân Chiêm, Chất Thành, Quyết Bình, Công Nhuận hợp thành xã Hồng Thái.
Theo Quyết định số 199-QĐ/NV, ngày 22/7/1964 của Bộ Nội vụ, huyện đổi tên 17 xã, xã Hồng Thái đổi tên là Chất Bình.
Đến năm 1977, theo Quyết định số 125/CP ngày 27/4/1977 của Hội đồng Chính phủ và Chỉ thị số 01/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam Ninh, 09 xã phía nam huyện Yên Khánh được sáp nhập vào huyện, lúc này xã Chất Bình sáp nhập với xã Hồi Ninh thành xã Kim Bình.
Năm 1994, theo Nghị định 59/CP ngày 04/7/1994 của Chính phủ, 9 xã phía nam huyện Yên Khánh tách khỏi huyện, đồng thời tách xã Kim Bình thành xã Hồi Ninh và xã Chất Bình và cái tên Chất Bình gắn bó, đi vào tiềm thức, nỗi nhớ của các thế hệ người dân trên mảnh đất này từ ngày đó đến nay.
3. Tiềm năng, thế mạnh:
Ở Chất Bình ngoài con sông Ân chạy ngang xã rộng chừng 12m, sâu khoảng 04m, còn có hệ thống sông nhỏ chằng chịt. Một số sông mang tính chất thiên tạo được nhân dân trong quá trình khai hoang lợi dụng khơi sâu nắn lại dòng chảy như sông Chất Thành. Do vậy sông này không thẳng mà uốn khúc quanh co. Tất cả ngững con sông nhỏ đều chạy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam dọc theo xã có tác dụng tưới tiêu tự chảy. Khi triều nên thì giữ được nước ngọt để tưới ruộng, khi triều xuống gặp khi úng lụt có thể lợi dụng độ thấp của chân triều mà tiêu nước.
Các kênh mương ở Chất Bình đồng thời cũng là hệ thống giao thông đường thủy thuận lợi thuyền nhỏ, thuyền nan đi lại dễ dàng. Hệ thống đường thủy bằng kênh rạch kết hợp với giao thông đường bộ khiến cho việc đi lại vận chuyển trong làng ấp, giao lưu giữa các làng ấp trong xã được dễ dàng.
Địa hình ở Chất Bình tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thuộc vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu ôn hoà, sông ngòi được quy hoạch rất khoa học, thuận lợi cho trồng lúa nước, rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả và thâm canh tăng vụ; với nhiều ao chuôm, là điều kiện thuận lợi phát triển nghề nuôi cá và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngày nay, Đảng bộ và nhân dân xã Chất Bình đã và đang phát huy những tiềm năng, thế mạnh vốn có để phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng mảnh đất này thành một vùng quê giàu đẹp
4. Kinh tế - Xã hội:
* Kinh tế: Là một vùng đất được lập lên cùng với cuộc khai hoang lấn biển, đất phù sa màu mỡ nên kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với cây trồng chính là lúa nước. Ngoài ra, còn có nghề chế biến đay cói, khâu nón, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; các dịch vụ, thương mại và các nghề truyền thống.
- Về sản xuất nông nghiệp, năm 2016: Năng suất bình quân đạt 125,01 tạ/ha/năm; Sản lượng cả năm đạt 4.284 tấn; Bình quân lương thực đầu người: 730 kg/người/năm; Diện tích rau màu được gieo trồng từ 25 đến 30 ha. Theo số liệu thống kê đến hết tháng 11/2016 trên địa bàn xã có 24 gia trại chăn nuôi lợn mỗi gia trại có từ 30 con trở lên, đàn lợn có khoảng 2.800 con; lợn hơi xuất chuồng đạt trên 240 tấn; đàn trâu, bò 70 con; đàn gia cầm 22.000 con, sản lượng thịt và trứng, thủy sản (cá) đạt 125 tấn.
- Về sản xuất Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ: Sản xuất Tiểu thủ công nghiệp của địa phương được duy trì và phát triển ở mức 40 - 45%, đặc biệt là một số ngành nghề có thế mạnh của địa phương như xây dựng, nghề mộc, sản xuất hàng thủ công nghiệp như đan bèo tạo nhiều việc làm cho người lao động. Từng bước chuyển dịch cơ cấu mở rộng dịch vụ nâng cao tỷ trọng phát triển kinh tế. Đời sống nhân dân nhiều mặt được cải thiện.
* Giáo dục: Là một trong những vùng quê có truyền thống hiếu học của huyện, điều đó được phản ánh khá rõ qua gia phả của các dòng họ và hương ước của các làng xã. Hương ước của các làng đều có điều khoản quy định trách nhiệm của các gia đình và cộng đồng làng xã về việc giáo dục con cái. Ngay từ khi thời kì đầu lập ấp các làng đều giành đất học điền để xây dựng các lớp học chữ nho. Điều đó chứng tỏ truyền thống hiếu học của nhân dân. Trong thời gian đầu đã có những người đỗ đạt cao như cụ Phạm Văn Tiến ở làng Chất Thành là một trong những người đỗ cử nhân đầu tiên. Học trò cũng theo học ông rất đông và đã có những người đỗ đạt như: Cụ Bảng Tâm (Định Hướng - Kim Định), Cụ Tư Thức (Xuân Hồi - Xuân Thiện), Cụ Tư Thuyết (Đông Bắc - Kiến Trung).
Ngày nay, truyền thống ấy đã và đang được phát huy với nhiều người có trình độ học vấn cao, có không ít người con của quê hương thành đạt, đã và đang giữ những trọng trách cao trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, quân sự của đất nước làm rạng danh quê hương xã Chất Bình.
* Về Văn hóa - Xã hội:
Là nơi hội tụ văn hóa truyền thống của các làng Việt cổ, bởi vậy, làng Chất Thành, Quân Chiêm có nét văn hóa rất đa dạng và phong phú, vừa có đặc trưng mang yếu tố bản địa, vừa phản ánh những giá trị văn hóa chung của dân tộc Việt Nam, biểu hiện của nó là sự ra đời các loại hình văn hóa dân gian, nhất là trong hương ước của làng xã.
Các làng xã có hương ước để giữ gìn hương tục, còn nhiều dòng họ lại có gia phả để gìn giữ gia phong. Trong quá trình lao động sản xuất, đấu tranh chống áp bức xã hội, xây dựng quê hương, nhân dân Chất Bình còn sáng tạo ra một kho tàng văn hóa dân gian hết sức đa dạng và phong phú - đó là những bài ca dao, dân ca, hò vè, chuyện kể dân gian, giai thoại lịch sử, những câu truyện tiếu lâm mang tính nhân văn sâu sắc và các tập tục truyền thống tốt đẹp như tục trọng sỉ. Hằng năm, đầu xuân dân làng mở các hội rước thần, hát hò, bơi chải, đánh vật... làm cho quê hương thêm nhộn nhịp, vui tươi, tình đoàn kết yêu quê hương được bền chặt hơn.
Cùng với sự hình thành cộng đồng làng xã, dần dần các lễ thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cũng ra đời và phát triển. Người dân Chất Bình có tín ngưỡng bản địa, với nét đẹp mang đậm tính truyền thống của dân tộc, đó là thờ những người có công với đất nước.
Sau khi công cuộc khai hoang lập lý, ấp đi vào ổn định, nhân dân Chất Bình tiến hành xây đình, dựng bia ghi lại tên tuổi, quê quán các cụ chiêu mộ, thứ mộ để con cháu ghi nhớ công ơn những người có công khai thiên lập địa tạo dựng nên mảnh đất này. Những người không theo tôn giáo ở Chất Bình có tín ngưỡng đa thần, nhất là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên theo huyết thống và thờ thành hoàng của cộng đồng làng xã. Ban đầu, dân làng còn thờ vọng, nhưng về sau khi có điều kiện, các làng xây dựng đình, miếu rồi rước thần về thờ ở chính đình, miếu.
Ngay sau khi được thành lập và những thập niên sau, lý Chất Thành tổ chức xây dựng miếu thờ thành hoàng. Các vị thành hoàng của các làng ở Chất Bình chủ yếu được rước từ quê cũ của các cụ chiêu mộ và đều là những người có công với dân, với nước. Tục thờ cúng tổ tiên của người dân Chất Bình khá sâu đậm, gia đình nào cũng có bàn thờ tổ tiên đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà, nhiều dòng họ có nhà thờ tổ. Đây không chỉ là một loại hình tín ngưỡng mà còn là một đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà tổ tiên - những người đã khuất. Ngày nay, nhiều gia đình theo đạo Công giáo cũng lập bàn thờ tổ tiên bên cạnh bàn thờ Chúa. Gắn liền với tục thờ cúng tổ tiên là tục ghi gia phả dòng họ, ngày giỗ tổ trở thành ngày sum họp của con cháu nhằm củng cố mối đoàn kết họ hàng, thân tộc.
Người dân Chất Bình theo hai tôn giáo chính là Phật giáo và Công giáo. Phật giáo được các cụ chiêu mộ, thứ mộ coi trọng và phát triển ngay từ buổi đầu của công cuộc khai hoang lập lý, ấp. Ở Chất Bình có chùa Cộng Nhuận, có 2 nhà thờ xứ là Quyết Bình và Quân Chiêm và 05 nhà thờ họ lẻ. Đến nay, toàn xã tỷ lệ người theo đạo Công giáo chiếm 42,3% dân số.
Chất Bình - vùng đất - con người và truyền thống đã và đang in đậm dấu ấn của quá khứ, hiện tại và tương lai. Những giá trị truyền thống, văn hoá tốt đẹp của quê hương được mỗi người dân nâng niu, gìn giữ và vun đắp. Đó chính là nguồn động lực, tạo thành sức mạnh to lớn để nhân dân Chất Bình vững bước đi lên xây dựng quê hương thêm giàu, thêm đẹp.
5. Danh sách Ban chấp hành Đảng bộ, lãnh đạo HĐND và UBND xã:
DANH SÁCH
Ban Chấp hành Đảng ủy, lãnh đạo HĐND, lãnh đạo UBND xã Chất Bình
Nhiệm kỳ 2020 – 2025
TT |
Họ và tên |
Chức vụ công tác hiện nay |
Số điện thoại |
I. |
DANH SÁCH BCH ĐẢNG ỦY XÃ |
||
1 |
Trần Thị Nguyệt |
Bí thư Đảng bộ xã |
0983606362 |
2 |
Trần Ngọc Ly |
Phó Bí thư Đảng bộ xã |
0339156777 |
3 |
Trần Văn Tiên |
Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã |
0917352757 |
4 |
Nguyễn Cảnh Dương |
Phó chủ tịch UBND xã |
0917972078 |
5 |
Trịnh Văn Dư |
Trưởng Công an xã |
0978461031 |
6 |
Nguyễn Hồng Kiên |
Chỉ huy trưởng BCH QS xã |
0397065943 |
7 |
Trịnh Thị Lan Anh |
Chủ tịch UBMTTQ xã |
0915997689 |
8 |
Phạm Văn Trang |
Chủ tịch Hội nông dân xã |
0368673008 |
9 |
Triệu Thị Nhung |
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã |
0354606055 |
10 |
Hoàng Văn Anh |
Bí thư Đoàn xã |
0947041313 |
11 |
Trần Hạnh Nguyên |
Công chức Tư pháp – Hộ tịch |
0397095510 |
12 |
Trần Anh Học |
Phó trưởng Công an xã |
0984482139 |
13 |
Trần Đức Luyện |
Phó BT Đoàn xã |
0983407345 |
II. |
DANH SÁCH LÃNH ĐẠO HĐND XÃ |
||
1 |
Trần Thị Nguyệt |
Chủ tịch HĐND xã |
0983606362 |
2 |
|
|
|
III. |
DANH SÁCH LÃNH ĐẠO UBND XÃ |
||
1 |
Trần Văn Tiên |
Chủ tịch UBND xã |
0917352757 |
2 |
Nguyễn Cảnh Dương |
Phó chủ tịch UBND xã |
0917972078 |
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
-
Giới thiệu điểm mới tại thông tư số 93/2017/TT-BTC ngày 19/9/2017 về phương pháp tính thuế GTGT
Ban hành: 20/09/2017
-
Thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ tài chính
Ban hành: 27/04/2017
-
Quyết định về việc ban hành Quy trình quy định về trình tự thủ tục xác minh tình trạng hoạt động, thông báo công khai thông tin, xử lý và khôi phục mã số thuế đối với người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế.
Ban hành: 05/04/2017
-
Quyết định Ban hành Quy chế hoạt động của ban biên tập trang thông tin điện tử Ủy ban nhân dân thành phố Ninh Bình
Ban hành: 03/03/2017
-
Kế hoạch sưu tầm, tư liệu, tài liệu, hiện vật để chuẩn bị trưng bầy tại nhà truyền thống thành phố Ninh Bình
Ban hành: 08/02/2017
-
Quyết định về việc ban hành trương trình công tác năm 2017
Ban hành: 19/01/2017
-
Kế hoạch thực hiện chương trình toàn khóa số 2
Ban hành: 04/01/2017
-
Kế hoạch dịch vụ công trực tuyến giai đoạn 2016-2020
Ban hành: 30/12/2016
-
Kế hoạch thực hiện công tác toàn khóa số 4
Ban hành: 01/11/2016
-
Chương trình số 4Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và phong cách ứng xử văn hóa của người dân thành phố Ninh Bình, giai đoạn 2015 - 2020
Ban hành: 10/03/2016
Lượt truy cập: 51598
Trực tuyến: 19
Hôm nay: 46