Trang Thông tin điện tử

xã Chất Bình - Huyện Kim Sơn

Thứ ba, 14/05/2024

Nông dân Kim Sơn tập trung phòng trừ sâu bệnh cho lúa Đông Xuân

Thứ năm, 11/05/2023

Hiện nay, lúa Đông xuân trên địa bàn huyện đang ở giai đoạn làm đòng, trỗ bông. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra tình hình dịch hại trên đồng ruộng cho thấy một số đối tượng đang phát sinh và có khả năng gây hại rộng trên các trà lúa. Trong những ngày này, bà con nông dân các địa phương trên địa bàn huyện đang tập trung phun thuốc đặc hiệu để bảo vệ lúa, phấn đấu vụ lúa vụ Đông xuân đạt cả về 3 mặt (năng suất, sản lượng và chất lượng).

 

Vụ Đông Xuân 2022 – 2023 toàn huyện gieo cấy 8.023,95 ha, hiện lúa đang giai đoạn làm đòng, trỗ bông. Nhìn chung lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra tình hình dịch hại trên đồng ruộng cho thấy một số đối tượng đang phát sinh và có khả năng gây hại trên các trà lúa. Cụ thể đó là: trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang ra rộ, mật độ trung bình từ 5 - 7 con/m2, nơi cao từ 10 - 15 con/m2 , cá biệt từ 20 - 40 con/m2, trứng sâu cuốn lá nhỏ trung bình 20 quả/m2‑, nơi cao từ 50 - 100 quả/ m2; sâu non sẽ nở rộ từ ngày 03 - 10/5/2023, mật độ phổ biến 185 con/ m2, nơi cao 250 - 350 con/ m2, cá biệt trên 500 con/ m2. Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 1 mật độ phổ biến từ 150 - 200 con/ m2, nơi cao từ 300 - 400 con/ m2; rầy cám lứa 2 sẽ nở rộ từ ngày 01 - 08/5/2023, mật độ phổ biến từ 800 - 1.300 con/ m2, nơi cao từ 2.000 – 3.000 con/ m2, cá biệt ổ trên 4.000 con/ m2. Ngoài ra chuột, bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn tiếp tục gây hại trên các trà lúa.

Nông dân  tập trung phòng trừ sâu bệnh cho lúa Đông Xuân

 

Trước tình hình các loại sâu bệnh phát sinh, phát triển trên diện tích lúa xuân, ngày 27/4/2023 UBND huyện đã ban hành công văn 948/UBND NNPTNT về việc tập trung phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa Đông Xuân 2022 – 2023. Theo đó, UBND huyện yêu cầu các địa phương, các HTX nông nghiệp tập trung thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc lúa xuân. Công ty Khai thác Công trình thủy lợi, các HTX nông nghiệp điều tiết nước hợp lý, tạo điều kiện cho cây lúa làm đòng, trỗ bông; giải phóng đăng, đó, vật cản trên các sông do đơn vị mình quản lý. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống cống, hệ thống máy bơm để đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp và phòng chống úng lụt. Cùng với đó, cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện kết hợp với các Hợp tác xã nông nghiệp xuống địa bàn kiểm tra đồng ruộng và hướng dẫn nông dân theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến đối tượng dịch hại, phân rõ các trà lúa để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi tới "ngưỡng", theo phương châm “4 đúng” đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh phun thuốc BVTV tràn lan, lãng phí, gây ô nhiễm môi trường.

Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa Đông Xuân bằng máy bay không người lái tại xã Hồi Ninh

 

Trong những ngày cao điểm của sâu bệnh hại lúa xuân, công tác đối phó với tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp được các địa phương triển khai kịp thời. Theo đó, thời gian từ ngày 04 - 09/5/2023 tiến hành  phun phòng trừ đối với sâu cuốn lá nhỏ trên những ruộng có mật độ sâu ³ 20 con/ m2 khi sâu non tuổi 2 rộ; bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Ammate 150SC; Obaone 95 WG; Voliam Targo 063SC; Abacarb-HB 50EC; Clever 150SC, 300WG; Virtako 40WG;...(những ruộng có mật độ sâu ³ 200 con/ m2 phải tiến hành phun trừ 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 4-5 ngày).  Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, tiến hành phun trừ từ ngày 03 - 08/5/2023, trên những ruộng có mật độ ≥ 1500 con/m2, khi rầy tuổi 2 rộ; bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Penaltyl 40WP; Chess 50WG; Sutin 40WP; Cyo Super 200WP; ApplauBas 27WP; Cytoc 250WP;… Những diện tích ruộng bị bệnh đạo ôn lá đã đến ngưỡng thì có thể kết hợp thuốc để phun phòng trừ cùng với sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng (bà con nông dân cũng cần lưu ý khi hỗn hợp thuốc trừ các đối tượng trên phải đảm bảo đủ liều lượng nước thuốc).

 

Cùng với việc tập trung phun phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại lúa xuân, các địa phương, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện chú trọng thực hiện điều tiết nước hợp lý, đảm bảo đủ nước cho cây lúa làm đòng và phục vụ công tác phòng trừ sâu bệnh. Khuyến cáo nông dân đánh bắt chuột bằng các biện pháp thủ công như đào bắt, hun khói, đặt các loại bẫy thường xuyên, liên tục và đồng loạt, tuyệt đối không đánh chuột bằng kích điện và điện lưới.

 

Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và ngành chuyên môn, cùng sự chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh hại lúa xuân khi tới ngưỡng của bà con nông dân, tin rằng diện tích lúa xuân trên địa bàn huyện phát triển tốt, phấn đấu giành mùa vụ bội thu.

 

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 35195

Trực tuyến: 3

Hôm nay: 18